Nguyễn Khuyến sinh năm Ất Mùi
(1835) ở quê mẹ, làng Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, nhưng ông lớn lên
và sống chủ yếu ở quê cha: làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Tên ông
lúc đầu là Nguyễn Thắng, mãi đến năm 1865, thi hội không đỗ, mới đổi là
Khuyến, biệt hiệu là Quế Sơn.
Nguyễn Khuyến xuất thân trong
một gia đình nhà nho nghèo, ông nội là Nguyễn Tông Tích đỗ nho sinh, cha là
Nguyễn Tông Khải đỗ liền ba khóa tú tài, nhưng trượt cử nhân. Từ bé, Nguyễn
Khuyến nổi tiếng là người học giỏi.
|
|
Năm 17 tuổi, ông đi thi hương với cha không đỗ, sau đó cha mất, nhà nghèo, ông phải bỏ học đi dạy thuê kiếm ăn nuôi mẹ. Bấy giờ có ông nghè Vũ Văn Lý, người làng Vĩnh Trụ, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam trước là học trò của bác Nguyễn Khuyến, thấy ông học giỏi mà bỏ dở nên đem về nuôi cho ăn học tiếp. Năm Giáp Tý (1864), Nguyễn Khuyến đi thi hương, đậu giải nguyên trường Nam Định, cùng khoa với Dương Khuê và Bùi Văn Quế, là hai người bạn thân của ông. Năm sau Nguyễn Khuyến vào Huế thi hội không đỗ, ông ở lại Huế học trường Quốc tử giám để chờ kỳ thi khác. Năm Tân Mùi (1871) Nguyễn Khuyến thi hội lần thứ hai, đỗ Hội nguyên, sau đó vào thi đình, đỗ Đình nguyên. Như thế là cả ba lần thi hương, thi hội, thi đình ông đều đỗ đầu, nên người ta gọi ông là Tam nguyên Yên Đổ và Tự Đức ban cờ biển cho ông cũng viết hai chữ "Tam nguyên".
Sau khi thi đỗ xong, ông được bổ làm quan ở Nội các Huế, năm sau đổi làm Đốc học Thanh Hóa rồi án sát Nghệ An, nhưng được mấy tháng thì mẹ mất, ông xin về để tang mẹ. Mãn tang, ông vào Kinh là Biện lý bộ Hộ. Năm 1877, đổi làm Bố chánh Quảng Ngãi, năm 1879, Nguyễn Khuyến bị điều về Kinh sung chức Trực học sĩ và làm Toản tu ở Quốc sử quán. Năm 1883, triều đình Huế cử ông làm phó sứ cùng với Lã Xuân Oai làm chánh sứ đi công cán nhà Thanh, nhưng tình hình biến đổi, tháng 8 năm 1883 Thuận An thất thủ, việc đi sứ bị đình, ông lại về chức cũ. Tháng 12 năm ấy, thực dân Pháp đánh Sơn Tây, Tổng đốc Sơn Tây là Nguyễn Đình Nhuận chạy lên Hưng Hóa kháng chiến cùng Nguyễn Quang Bích. Nguyễn Hữu Độ, kinh lược sứ Bắc kỳ cử Nguyễn Khuyến làm tổng đốc nhưng ông dứt khoát từ chối, lấy cớ đau mắt nặng xin cáo quan về làng.
Để đối phó với phong trào Cần Vương, thực dân Pháp tìm cách mua chuộc hàng ngũ sĩ phu có tên tuổi. Chúng cho Vũ Văn Báu, Tổng đốc Nam Định là con thầy học cũ của Nguyễn Khuyến đến mời ông ra làm quan nhưng ông nhất quyết chối từ.
Năm 1905, Lê Hoan, Tổng đốc Hưng Yên tổ chức cuộc thi Vịnh Kiều để lôi kéo các nho sĩ từ bỏ con đường vận động cứu nước, y cũng cố mời Nguyễn Khuyến tham gia ban giám khảo. Không thể từ chối, Nguyễn Khuyến buộc lòng phải tham gia và ngụ ý kín đáo tâm sự của mình trong bài thơ vịnh Kiều để đả kích bọn Lê Hoan và đồng bọn. Nguyễn Khuyến cảm thấy lúc nào cũng sống trong tình trạng nghi kỵ nặng nề, nên cuối cùng cho Nguyễn Hoan(con trai ông) ra làm quan. Từ đó trở đi ông được sống tương đối yên ổn ở quê nhà, và đến tháng giêng năm Kỷ Dậu (1909) thì ông từ trần, thọ 74 tuổi.
Nguyễn Khuyến còn để lại khoảng ba trăm bài thơ, cả chữ Hán và chữ Nôm, trong Quế Sơn thi tập. Thơ Nguyễn Khuyến có hai mảng quan trọng là thơ trào phúng và thơ trữ tình.
0 comments :
Post a Comment