Thơ ca của Đỗ Phủ


Thơ Đỗ Phủ tập trung biểu hiện ba khía cạnh chủ yếu: tinh thần phản kháng cường quyền, lòng yêu thương nhân dân và nhiệt tình yêu nước thiết tha. Thường trong nhiều bài, ba nội dung ấy gắn bó với nhau, hỗ trợ cho nhau tạo nên giá trị hiện thực của thơ ca Đỗ Phủ. Tất cả đều xoay quanh một trục thống nhất là bản thân ông. Từ chính những khổ đau của bản thân mình, ông hoà chung nỗi đau của riêng mình với nỗi đau của nhân dân, của đất nước. Thơ ca của Đỗ Phủ chính là những thiên ký sự về đời ông, một cuộc đời thăng trầm mà trầm nhiều hơn thăng.

Tuy chưa thoát khỏi thế giới quan của tư tưởng Nho gia hẹp hòi, nhưng đó là những hạn chế có tính chất thời đại, thơ ca của Đỗ Phủ không vì thế mà giảm đi giá trị của nó. Nhà thơ vẫn hoàn thành sứ mệnh nghệ thuật của mình một cách vẻ vang.

Đỗ Phủ kiêm gồm nhiều thể thơ từ ngũ ngôn đến thất ngôn, cổ thể đến cận thể mà qua tay ông đều trở nên xuất sắc, nhuần nhuyễn. Thơ ông được dụng công gọt dũa rất công phu: "Làm người tính thích câu thơ đẹp. Đọc chẳng kinh người chết chẳng thôi" (Hí vi lục tuyệt cú). Ông sở trường về thơ ngũ ngôn, vốn là thể khó làm hay vì câu thơ ngắn, nhịp điệu đơn giản. Nhưng ông vẫn khéo truyền nỗi lòng chân thật, tha thiết vào thơ, nên những bài thơ ngũ ngôn của ông dù rất dài như Vịnh hoài bách ngũ tự, Tráng du, Thuật hoài,... vẫn đầy sức gợi cảm. Thơ thất ngôn đến tay ông mới thật sự đạt đến đỉnh cao, đặc biệt là thơ luật, được ông chăm sóc, đẽo gọt tỉ mỉ mà vẫn trôi chảy tự nhiên, ít ai bì kịp. Đỗ Phủ làm thơ rất dụng công, đúng như ông đã nói "Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu" (Lời lẽ chưa kinh động lòng người thì chết chẳng yên). Hơn nữa, Đỗ Phủ nắm rất vững thanh vận trong ngôn ngữ Trung Quốc và sử dụng nó để phát huy được sức thể hiện và truyền cảm của thơ. Có những bài thơ dài hàng chục đến trăm câu, ông chỉ dùng độc vận, hoặc cũng có thể trong một bài ngắn ông lại đổi vần. Dùng vần trắc hay vần bằng ông đều có chủ định. Đỗ Phủ còn sáng tạo những hình ảnh thi vị, mới mẻ, giàu sức truyền cảm, sáng tạo những ý cảnh, khí phách rộng lớn. Ông thật xứng với danh xưng "Thi thánh" mà người đời sau tôn tặng.

Đỗ Phủ tiếp thu có chọn lọc, kế thừa có phát huy những thành quả văn học quá khứ rồi hun đúc thành cái của mình, sáng tạo và mới mẻ. Nguyên Chẩn đời sau đánh giá: "Đỗ Tử Mỹ, trên thì làm mờ cả Phong Tao (Thi kinh và Sở từ), dưới thì kiêm cả Thẩm Tống (Thẩm Thuyên Kỳ, Tống Chi Vấn), lời thơ vượt cả Tô Lý (Tô Vũ, Lý Lăng), khí thơ nuốt cả Tào Lưu (Tào Thực, Lưu Côn), che khuất đỉnh cao Nhan Tạ (Nhan Diên, Tạ Linh Vận), nhuộm cả dòng thắm Dữu Từ (Dữu Tín, Từ Lăng), có được tất cả thể chế của cổ kim, và hết thảy cái đặc sắc của từng thi sĩ. Người làm thơ xưa nay chưa từng có ai như Đỗ Tử Mỹ" (Đường cố kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang Đỗ quân mộ hệ minh).

Đỗ Phủ để lại cho đời hơn 1400 bài thơ, phân thành hai loại lớn: cổ thể thi và cận thể thi. Cổ thể thi là loại thơ tự do, cận thể thi là loại thơ cách luật.

- Cổ thể thi: 416 bài trong đó ngũ ngôn cổ thể 271 bài, thất ngôn cổ thể 145 bài.

- Cận thể thi: 1037 bài trong đó luật thi có 772 bài, bài luật có 127 bài, tuyệt cú có 138 bài (31 bài ngũ ngôn, 107 bài thất ngôn).

(Theo Diễn đàn Thơ ca Việt Nam.)

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Facebook Comment
    Blogger Comment

0 comments :

Post a Comment