Đỉnh cao trong sáng tạo nghệ
thuật của Võ Quảng là bộ tiểu thuyết Quê nội và Tảng
sáng phản ánh sinh động những thay đổi sâu sắc ở một vùng quê mà
Cách mạng tháng Tám vĩ đại đã đem lại sự hồi sinh cho mỗi người dân. Tác giả
đã để ra mười lăm năm năm tâm huyết cho bộ sách này.
Nhà phê bình Lê Quang Trang nói
về công phu của Võ Quảng khi viết tác phẩm này như sau: "So với bản thảo
đầu số chữ còn lại khoảng một phần tư. Bản thảo được chữa đi chữa lại năm
lần. Có nhiều chương chữa tới sáu lần. Đấy là không kể các chi tiết câu chữ
được sửa chữa thường xuyên do một ý nghĩ bất chợt nảy sinh ra. Ngay Quê
nội khi in lần thứ tư (ở XBKĐ - 1983) tác giả vẫn nghiền ngẫm tiếp
thu những ý kiến phê bình góp ý của đồng nghiệp mà ông thấy hợp lý để sửa
chữa cho hoàn chỉnh tới mức cao nhất".
|
Tiểu thuyết Quê nộicủa
Võ Quảng
|
Nhà văn Nguyễn Tuân tâm sự: "Riêng phần tôi ngoài truyện Tảng sáng tôi lại thích truyện Quê nội.
Nhà văn Tô Hoài viết: "Một nhà thơ dùng lối tiểu thuyết viết lại những kỷ niệm đối với quê hương. Trong văn học Việt Nam chúng ta đã được đọc những tác phẩm hay như Chiếc cánh xanh của Lưu Trọng Lư, Phấn thông vàng của Xuân Diệu. Nhưng Quê nội của nhà thơ Võ Quảng có vẻ đẹp cao rộng hơn".
Theo nhà văn Trần Thanh Địch thì: "Đến Quê nội, Tảng sáng cương vị một nhà văn có tài năng của anh đã rõ rệt... truyện như một mùi hương ngâu mê say có sức hấp dẫn và quyến rũ lạ lùng". Nhà văn Hoàng Tiến đã có hẳn một bài viết đặc sắc về thanh nhạc trong văn xuôi Võ Quảng mà cụ thể là nhạc văn trong hai cuốn truyện Quê nội và Tảng sáng.
Nhà văn Alice Kahn người dịch Quê nội sang tiếng Pháp đã viết: "Khi giới thiệu quyển truyện Quê nội người ta bảo tôi: Đây là một loại Tom Sawyer của Việt Nam. Đã từ lâu tôi rất thích quyển sách Tom Sawyer với nhân vật Hucklebery Finn. Nhưng sau khi làm quen với tác phẩm của Võ Quảng, tôi cảm thấy mình còn thích các nhân vật Cục và Cù Lao hơn". Ai cũng biết Tom Sawyer là kiệt tác của nhà văn Mỹ Măc Tuên. Như vậy thật vinh dự biết bao cho văn học Việt Nam khi nhà văn Pháp A. Kahn thông qua so sánh đã đặt Quê nội lên tầm kiệt tác.
Võ Quảng cũng có một thế giới thơ thật hồn nhiên tươi trẻ. Thơ ông có bản sắc riêng thật khó mà trộn lẫn. Đó là cái nhìn luôn mới mẻ độc đáo, nhưng luôn ẩn chứa trong đó một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Một anh đom đóm lên đèn đi gác, đi suốt đêm để lo cho mọi người yên giấc, một cành mai biết vượt bao khó khăn để nở hoa đúng dịp Tết đến.
Hay như một chồi non bật vỏ khoác áo màu xanh biếc đứng giữa trời... Biết bao sự sống bình dị trong con mắt của Võ Quảng bỗng trở nên mới lạ diệu kỳ.
Thơ ông rất thơ ngay từ trong cách nhìn kỳ ảo. Một đặc trưng trong thơ Võ Quảng là tính nhạc điệu lan toả trong từng câu thơ. Ông có biệt tài bắt chước tiếng kêu của những con ếch, con chẫu chàng, con ếch ương và đưa nó vào thơ thật nhuần nhuyễn như trong bài thơ Chăm học. Những âm thanh như tiếng gõ cửa, tiếng mưa rơi, tiếng gió, tiếng xe cút kít, tiếng ru hời... được ông đưa vào thơ để tạo nên chất nhạc vừa thực mà lại vừa lạ biết bao. Nét đẹp trong thơ Võ Quảng còn nằm ở màu sắc.
Đó là mảng màu thật sự tươi rói hơn nhờ cảm quan vừa tinh tế vừa giàu có của người nghệ sĩ đã thổi linh hồn vào hình tượng nghệ thuật. Thơ ông còn có nhiều tiếng cười vui tươi dí dỏm, thường có ở những người sáng tạo nghệ thuật cho thiếu nhi. Võ Quảng thực sự đã góp được một tiếng thơ thật đặc sắc trong làng thơ Việt Nam.
0 comments :
Post a Comment